Ngày đăng: 06/11/2024
Festival “THỔ CẨM LÀO CAI-SẮC MÀU VĂN HÓA”, chủ đề: “Sa Pa – Thổ cẩm miền sương mây” là sản phẩm du lịch mang thương hiệu của tỉnh Lào Cai, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó phát triển các sản phẩm thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu du khách. Festival góp phần triển khai, thực hiện Đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” và dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, năm 2024” của tỉnh Lào Cai. Đồng thời, tạo cơ hội cho các đơn vị, địa phương, các diễn viên (nghệ nhân), các hợp tác xã thổ cẩm, doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn, khai thác, phát triển thổ cẩm dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và du lịch.
Lào Cai, vùng đất biên cương của Tổ quốc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, suốt chiều dài lịch sử luôn vững vàng ở thế đứng tiền tiêu. 25 dân tộc anh em chung sống, sáng tạo, xây dựng và phát triển vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Cùng với mùa vàng ruộng bậc thang, cùng với hương rừng gió núi, cùng với sương mù bay trắng bốn mùa, không ai không khỏi thương nhớ và ngẩn ngơ vì những trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu của đồng bào các dân tộc. Mỗi dân tộc có những sáng tạo riêng về trang phục thổ cẩm của mình. Nhưng dù với màu sắc nào, hoa văn nào thì trang phục thổ cẩm của mỗi tộc người lại toát lên một vẻ đẹp riêng, rất độc đáo và hấp dẫn. Mỗi tấm vải được sinh ra không chỉ là sản phẩm vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện bản sắc riêng của văn hóa từng dân tộc; gắn liền với những câu chuyện, về đời sống, về văn hóa, về tình yêu, điển tích, thần thoại…sống động là cách nghĩ chân thực về nếp sống của cả một cộng đồng dân tộc. Hình ảnh những người phụ nữ ngồi mải mê bên khung cửi, lặng lẽ dệt những tấm vải thổ cẩm đầy sắc màu đã tạo ấn tượng trong tâm trí những lữ khách trong mỗi hành trình du lịch khám phá Sa Pa, Bắc Hà và các làng bản ở Lào Cai. Từ bao đời nay, thổ cẩm được người già lưu giữ và truyền lại cho con cháu. Cứ như thế, kho trầm tích văn hóa dân gian trong những vùng đất, những bản làng luôn đầy ắp những giá trị nhân văn, luôn đa dạng những loại hình và được bồi đắp theo tháng năm. Lào Cai-Sa Pa, miền sương mây và sắc màu thổ cẩm, lưu luyến khách muôn phương.
Các hoạt động Festival được tổ chức an toàn, tiết kiệm, hấp dẫn, hiệu quả, có tính nghệ thuật và sức thu hút cao, gắn với việc quảng bá và phát triển các chương trình du lịch sau ảnh hưởng của bão số 3.
Festival “Thổ cẩm Lào Cai – Sắc màu văn hóa” 2024 với chủ đề “Sa Pa – thổ cẩm miền sương mây” sẽ diễn ra từ ngày 08/11/2024 đến ngày 10/11/2024, tại số 2 Fan Si Pan, Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chương trình có những hoạt động hấp dẫn sau:
– Thời gian: Từ ngày 08/11 – 10/11/2024
– Khai mạc không gian: Từ 15h00 ngày 08/11/2024.
– Địa điểm: Tại số 02 Fansipan – Thị xã Sa Pa
1.1. Tổ chức trình diễn, giới thiệu văn hóa và thổ cẩm truyền thống các dân tộc
Giới thiệu về văn hóa thổ cẩm đặc trưng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó tỉnh Lào Cai gắn với xúc tiến quảng bá về du lịch; Trưng bày những bộ trang phục, vải, hoa văn thổ cẩm các dân tộc; Diễn viên (nghệ nhân) trình diễn theo quy trình sản xuất thổ cẩm truyền thống các dân tộc; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm ứng dụng phục vụ cho du khách tham quan, trải nghiệm. Các nội dung trưng bày giới thiệu còn được phát thanh tự động, treo biển trích và mã QR thông tin về văn hóa, thổ cẩm dân tộc Dao đỏ để du khách tìm hiểu và check-in.
1.2. Tổ chức trình diễn về thổ cẩm và giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm
– Thời gian: 08/11– 11/11/2024.
– Địa điểm: Trong nhà đa năng.
Sắp đặt quy trình sản xuất thổ cẩm các dân tộc truyền thống bằng công cụ, hiện vật, ảnh, bản trích và qua các tấm pano… Sắp đặt nghệ thuật giới thiệu về các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Lào Cai có liên quan đến thổ cẩm như: Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao Đỏ, Nghề làm trang phục của người Mông Đen, Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Nùng Dín, Nghệ thuật thêu hoa văn thổ cẩm trên trang phục người Mông hoa, nghề dệt của người Dao Họ huyện Bảo Thắng, nghề dệt của người Thu Lao huyện Si Ma Cai…Trưng bày các sản phẩm thổ cẩm như gối, chăn, túi, tranh thổ cẩm, trang phục thổ cẩm ứng dụng và các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm khác… tại Bảo tàng Sa Pa.
– Thời gian: Từ 19h45 đến 21h00, ngày 09/11/2024.
– Địa điểm: Tại số 02 Fansipan – Thị xã Sa Pa.
Chương trình nghệ thuật là câu chuyện xuyên suốt về thổ cẩm, kết tinh của sự khéo léo, bàn tay, trí tuệ của người phụ nữ dân tộc, nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng, nơi dệt nỗi nhớ thương. Chương trình gắn với giới thiệu, trình diễn trang phục ứng dụng của các nhà thiết kế về thổ cẩm các dân tộc Mông, Dao, Xa Phó, Giáy và Tày, qua đó tạo nên sự kết nối, lan tỏa các sản phẩm văn hóa, du lịch, nét đẹp đời sống con người Sa Pa, Lào Cai. Qua đây khẳng định thế mạnh đa văn hóa, giàu bản sắc, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người trong tỉnh Lào Cai, nhằm thu hút đầu tư và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, tạo nên những sản phẩm kinh tế – văn hóa du lịch độc đáo.
– Thời gian: Từ ngày 09/11/2024 (kéo dài theo nhu cầu trải nghiệm thực tế của du khách).
– Địa điểm: Nhà đa năng và Bảo tàng Sa Pa.
Bằng các thiết kế phương án trưng bày, sắp đặt nghệ thuật giới thiệu văn hóa và thổ cẩm ứng dụng, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa nghệ thuật sắp đặt “Sa Pa – miền sương mây”, tìm hiểu các sản phẩm được làm từ thổ cẩm như trang phục, túi xách, gối…. Thông qua cách sắp đặt nghệ thuật đặc biệt, mới lạ sẽ đem đến một thế giới thổ cẩm ấn tượng, với những sắc màu rực rỡ. Không gian này mở cửa phục vụ khách tham quan du lịch lâu dài tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch (tại Sa Pa).
Festival Thổ cẩm Lào Cai – Sắc màu văn hóa với chủ đề “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây” là điểm nhấn tạo ấn tượng mạnh mẽ tới du khách để quảng bá thu hút du khách đến tham quan và giới thiệu sắc màu thổ cẩm của Lào Cai, kích cầu du lịch sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Chắc chắn chương trình sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị, độc đáo, những cảm nhận sâu sắc về một vùng đất giàu bản sắc của các dân tộc Lào Cai để thu hút khách du lịch.